Trương Quế Hằng K58 ( Khoa KTCT)
Quỹ học bổng Lotte được thành lập vào năm 1983, xuất phát từ ý tưởng cao quý của Chủ tịch Shin Gyuk-Ho, người hiểu rất rõ vai trò quan trọng của giáo dục đối với các thế hệ tương lai. Đến Việt Nam, học bổng Lotte đã đồng hành cùng các bạn sinh viên từ năm 2008, trải qua 8 năm sứ mệnh chắp cánh cho tài năng Việt đã được Quỹ học bổng Lotte Foundation truyền đến và lan tỏa đến hàng ngàn các bạn sinh viên Việt Nam. Theo em, giá trị của mỗi suất học bổng trao đi không chỉ dừng lại là sự động viên vật chất tạm thời mà nó còn là sự trân trọng của nhà tài trợ đối với tài năng, quá trình phấn đấu của người được nhận học bổng.
Là thanh niên thuộc thế hệ sinh viên đang được trang bị kiến thức văn hóa, xã hội trên ghế nhà trường, em nghĩ mình có trách nhiệm vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, làm giàu cho chính bản thân và góp phần làm giàu cho đất nước. Để làm được điều đó, theo em mỗi người cần phải xác định được hướng đi của mình để cố gắng phấn đấu hết mình vì ước mơ đó, mà việc làm thiết thực nhất mà mỗi sinh viên như em có thể làm tốt đó là nỗ lực học tập.
Lê nin từng nói “Học, học nữa, học mãi” muốn nhắn nhủ đến tất cả mọi người việc học là suốt đời, học chưa bao giờ là thừa, kiến thức chưa bao giờ là đủ. Đối với một sinh viên, việc học càng quan trọng hơn tất thảy, bởi vì chỉ bằng cách không ngừng tích lũy kiến thức, bổ sung kĩ năng thì việc học tập mới trở nên hiệu quả làm thành hành trang quý giá trong tương lai. “Nỗ lực học tập” chính là sự quyết tâm, kiên trì, chăm chỉ, không bỏ cuộc giữa chừng dù cho khó khăn và thử thách nhiều như thế nào. Từ kinh nghiệm bản thân, đối với em việc học thật sự chưa bao giờ là dễ dàng, điều này càng đúng ở bậc đại học, nơi mà tính độc lập, tư duy tự chủ, sáng tạo của mỗi sinh viên được đề cao. Các lý thuyết chuyên ngành luôn được cung cấp một cách tổng quát, cơ bản nhất thông qua bài giảng của thầy cô, nhưng để hiểu sâu thêm kiến thức đã học, đòi hỏi mỗi bạn sinh viên cần chăm chỉ nghiên cứu thông tin, làm giàu thêm vốn hiểu biết của bản thân không chỉ qua những trang sách mà còn là những ví dụ thực tế. Việc nghiên cứu bài trước ở nhà nên trở thành thói quen, bởi điều đó giúp ích rất lớn cho quá trình nắm bắt bài giảng trên lớp, đồng thời, không nên tiếp thu kiến thức một cách thụ đông mà cần tích cực trao đổi với giáo viên trên lớp, từ đó kiến thức sẽ trở thành của mình theo cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, theo em, tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học chính là một cách tuyệt vời để củng cố lại những kiến thức đã biết, thúc đẩy bản thân tìm tòi những điều mới mẻ, mở rộng khả năng sáng tạo. Đi từ hiều, nắm rõ đến vận dụng là một quá trình dài, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực không ngừng, kiên trì không bỏ cuộc sẽ đem lại kết quả xứng đáng, không chỉ có được nền tảng lý thuyết và ứng dụng vững chắc mà còn là động lực tạo hứng khởi, khích lệ đam mê nghề nghiệp sau này. Đặc biệt, các quỹ học bổng và các doanh nghiệp tuyển nhân sự luôn quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, nó cho thấy sinh viên nắm rõ kiến thức đến đâu và biết vận dụng đến mức nào, thành tích nghiên cứu khoa học chính là cơ sở quan trọng đánh giá kết quả học tập của mỗi sinh viên bên cạnh bảng điểm mà mỗi người đạt được. Vì vậy, các quỹ học bổng bên cạnh khuyến khích sinh viên học tập đạt thành tích cao còn ủng hộ sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học để tìm hiều nhiều hơn khả năng và đam mê của bản thân.
Kiến thức khoa học tự nó không sinh ra chỉ để giải quyết một vấn đề mà trong từng trường hợp cụ thể, các cách giải thích, biện pháp được đưa ra dựa trên nhiều mô hình, nhiều giả thiết khoa học kết hợp lại, vì vậy, để có được tầm nhìn bao quát, hiểu rõ vấn đề cần “xoay” nó qua nhiều phương diện, xem xét nó trong các mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, đòi hỏi này chỉ có được khi ta không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản mà còn am hiểu nhiều lĩnh vực khác liên quan. Chính vì vậy, tâm lý môn chính – phụ nên bị loại bỏ, việc chỉ quan tâm đến môn chuyên ngành, coi thường kiến thức các môn khoa học khác dễ dẫn đến tư duy một chiều, phiến diện, không nhận thức được hết các phương diện của vấn đề. Nếu như các môn chuyên ngành đem lại kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai thì các môn khoa học xã hội khác, ví dụ điển hình là Triết học lại đem đến cho người học phương pháp tư duy khoa học – điều vô cùng thiết thực có thể áp dụng cho đa số tình huống, giải quyết nhiều vấn đề cả về vật chất và tinh thần. Hơn nữa, các học bổng thường có yêu cầu điểm GPA đạt từ loại giỏi trở lên, điều này đòi hỏi mỗi người cần nỗ lực ở từng môn, không có thái độ phân biệt, nếu chỉ dùng cách “lấy môn chính “vớt” môn phụ” thì không thể nào đạt được.
Theo em, sự nỗ lực của bản thân không phải tự dưng mà có, cần phải có quá trình rèn luyện, phấn đấu hằng ngày. Nếu không nỗ lực thì mọi việc chúng ta muốn làm sẽ nhanh chán, nhanh bị ngó lơ, và cuối cùng là bị quên lãng. Khi bắt đầu đặt ra mục đích của bản thân thì trước hết phải có ý chí và nghị lực để có thể làm mọi cách đạt được điều đó. Việc học tập thì càng cần nhiều nỗ lực, trong đó mục tiêu cố gắng học tập để đạt học bổng có thể coi là bước đệm khích lệ cho những mục tiêu to tát, cao cả hơn.